Khám phá nét đẹp văn hóa truyền thống lâu đời Làng Sơn Mài Bình Dương
Đến Làng Sơn mài Bình Dương, bạn không chỉ có thể chiêm ngưỡng vô số sản phẩm đẹp mắt mà còn có dịp để tìm hiểu thêm về ngành nghề truyền thống thú vị này nữa đó. Du lịch Bình Dương đừng quên ghé tới điểm tham quan này nhé cả nhà ơi!
Giới thiệu đôi nét về Làng Sơn mài Bình Dương
Trong tiến trình phát triển, thành phố thuộc vùng đất Đông Nam Bộ này là nơi mang đậm nét đẹp văn hóa đến từ các làng nghề thủ công truyền thống như Làng nghề làm heo đất Lái Thiêu, Làng chạm khắc gỗ, Làng bánh tráng hay Làng hương. Thú vị nhất phải kể đến làng nghề có dòng máu nghệ thuật được cha truyền con nối nhiều đời. Đó là Làng Sơn mài Bình Dương nổi tiếng.
Tập trung chủ yếu ở các phường: Chánh Nghĩa, Phú Cường, Tương Bình Hiệp, Tân An, Định Hòa, Hiệp An tọa lạc tại Thành phố Thủ Dầu Một, làng nghề sơn mài ban đầu khởi phát trong địa bàn phường Tương Bình Hiệp. Sau đó ngành này dần lan rộng ra và tạo nên hệ thống làng chế tác thủ công nhộn nhịp như hiện thời. Làng nghề Sơn mài Bình Dương được biết đến thông qua vô số tác phẩm nghệ thuật bao gồm điêu khắc, chạm lộng… cực kỳ sống động.
Vào ngày 29 tháng 8 năm 2006, Hiệp hội Sơn mài – Điêu khắc Bình Dương đã được thành lập theo Quyết định số 3838 của UBND tỉnh này. Đây là cầu nối quan trọng không chỉ thể hiện tinh thần gìn giữ, bảo tồn ngành nghề truyền thống mà còn thực hiện mong muốn phát huy thế mạnh sơn mài tại vùng đất Bình Dương.
Hướng dẫn cách di chuyển tới làng sơn mài
Có rất nhiều Làng Sơn mài tại Thành phố Thủ Dầu Một – điểm đến có vị trí cách Sài Gòn khoảng 30km đi đường. Tuy nhiên trứ danh hàng đầu nơi đây thì không ai là không biết tới Làng Sơn mài Tương Bình Hiệp. Đây được mệnh danh là cái nôi của ngành nghề thủ công thi vị này. Để đến phường làng nghề, bạn có thể di chuyển theo hướng dẫn sau:
Đầu tiên, bạn xuất phát từ trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh chạy theo hướng đường Trường Chinh đến Phan Huy Ích. Sau khi qua Cầu Tham Lương để đi tiếp Trường Chinh tới Nguyễn Văn Quá, bạn rẽ phải tại đường Nguyễn Thị Đặng. Từ đây bạn đi qua Lê Văn Khương, Hà Duy Phiên/TL9 đến Đại Lộ Bình Dương/Quốc lộ 13. Cuối cùng, bạn rẽ trái vào đường Hồ Văn Cống thuộc địa phận Thành phố Thủ Dầu Một. Làng Sơn mài Bình Dương sẽ nằm bên phía tay phải.
Lưu ngay ngay vào Cẩm nang du lịch cung đường di chuyển dễ đi này kẻo lỡ bạn nhé!
Khám phá làng sơn mài độc đáo
Nguồn gốc Làng Sơn mài Bình Dương
Nếu nhóm thợ Trung Quốc đến Việt Nam khởi phát các Làng nghề gốm sứ Bình Dương vào khoảng thế kỷ 19 đến 20 thì dựa trên ghi chép của địa phương, các nghệ nhân sơn mài đã mang theo ngành nghề này đi di dân từ những năm cuối thế kỷ 18. Từ Quảng Bình, Thuận Hóa tới xứ Đồng Nai, Gia Định, họ đã dừng chân tại vùng đất Tương Bình Hiệp nay thuộc Thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương này đồng thời lưu truyền nghề vẽ sơn mài độc đáo.
Trước năm 1975, nghề sơn mài tại Bình Dương mới chỉ hoạt động trên địa bàn với quy mô nhỏ. Các sản phẩm được nhiều người biết đến lúc này chủ yếu là tranh trang trí tuyệt đẹp trong nhà địa chủ giàu có hay người nước ngoài. Sau giai đoạn đó đến nay, tuy trải qua vô số biến đổi nhưng ngành sơn mài vẫn bền vững và ngày càng chứng minh được ưu thế của mình trong và ngoài nước nhờ vào đa dạng mẫu mã tiên tiến.
Sở hữu bề dày truyền thống và lịch sử phát triển hơn 300 năm, Làng Sơn mài Bình Dương mỗi giai đoạn thăng trầm lại thêm phần đậm đà nét đẹp bản sắc dân tộc. Cùng khoa học công nghệ tối tân, nghề thủ công với sự kế thừa từ thời ông cha kết hợp với tính hiện đại đã góp phần tạo nên nhiều mặt hàng sơn mài đồng thời phong phú hóa về chất liệu vẽ.
Vẻ đẹp trong từng thành phẩm sơn mài tại đây
Sản phẩm truyền thống nổi tiếng tại Bình Dương này thu hút đông đảo các bạn gần xa bởi lối chế tác mang lại cảm giác rất bắt mắt và sang trọng. Sử dụng nguyên liệu gỗ tự nhiên, mỗi mặt hàng đều được làm rất tỉ mỉ, công phu như gói trọn tinh hoa làng nghề cũng như giá trị văn hóa dân tộc đặc sắc vào từng thành phẩm một.
Theo giới thiệu của Làng Sơn mài Bình Dương trong quá trình bạn đến tham quan và khám phá, từ bước chuẩn bị đến khâu cuối cùng của sản phẩm phải trải qua tổng cộng 25 công đoạn. Mỗi phần lại đòi hỏi người thợ sơn mài với kinh nghiệm dày dặn những kỹ thuật chế tác riêng biệt. Chưa dừng lại ở đó, quy trình sơn mặt hàng cần mất từ 3 đến 6 tháng thực hiện nhằm đảm bảo yêu cầu về chất lượng.
Loại sơn vẽ truyền thống thông dụng tại Làng Sơn mài Bình Dương là một hỗn hợp sơn Nam Vang được pha chế với sơn Phú Thọ sở hữu tính chất rất khác so với các vùng trong nước. Có một điều không thể phủ nhận đó là độ bền cũng như nước sơn bóng đẹp mắt của chất liệu vẽ nơi đây đã trở thành thứ ngôn ngữ nghệ thuật vượt qua mọi thời đại.
Sản phẩm sơn mài nói chung có rất nhiều phương pháp để thể hiện ví như sơn lộng, sơn mài vẽ mỏng, sơn khoét trũng, cẩn trứng, xà cừ, ốc. Bên cạnh đó còn có thể biến tấu khi sử dụng kết hợp với các chất liệu: gốm, tre… vô cùng độc đáo.
Tuy nổi bật nhất với nhiều mẫu mã tranh nhưng các sản phẩm dùng sơn mài để trang trí bao gồm bình hoa, vòng tay, đĩa, hộp… cũng được ưa chuộng không kém. Các bạn gần xa khi đến đây thường mua những mặt hàng nhỏ gọn và đẹp mắt này để mang về làm quà du lịch, bạn tham khảo thử nhé!
Làng Sơn mài Bình Dương với nét đẹp đậm đà bản sắc dân tộc len lỏi từ quy trình sản xuất đầy công phu đến thành phẩm bắt mắt hứa hẹn sẽ mang tới cho bạn trải nghiệm vô cùng đặc sắc. Nếu có dịp du lịch Bình Dương, bên cạnh nhiều địa điểm tham quan như Đình Phú Cường (Bà Lụa), Chùa Châu Thới… bạn đừng quên ghé khám phá làng nghề nổi danh này nhé! Bình Dương Ơi thương chúc bạn có một chuyến đi ngập tràn niềm vui.
Nguồn: Tổng hợp