Nhân vật lịch sử thời khai hoang lập ấp ở Bình Dương xưa
Đặt vấn đề
Lần theo lịch sử vùng đất, con người Bình Dương xưa, cách nay hơn 300 năm, trên nhiều khu vực của vùng đất này đã có những lớp cư dân người Việt, người Hoa đến sinh sống, khai hoang, lập nghiệp, chủ yếu sống ven sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và sông Thị Tính. Đó là những người Việt ở vùng Ngũ Quãng đến lập nghiệp sau khi Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh(Kính) kinh lý vào Nam để thành lập các đơn vị hành chính; là bộ phận người Hoa không hàng phục Nhà Thanh được phép chúa Nguyễn cho vào Nam khai khẩn sinh sống. Họ là những nhân vật lịch sử như: Đức ông Huỳnh Công Nhẫn, tiền hiền vùng Bình Hòa, Bưng Bố, xứ Lái Thiêu; Bá hộ Hạ Quang Quới, tiền hiền vùng Bọng Dầu, Bình Điền, xứ Dầu Miệt; Trần Thượng Xuyên (Trần Thắng Tài-Tchen Tchang Tchouen) ở xứ Nông Nại ( Đồng Nai).
1. Đức ông Huỳnh Công Nhẫn
Ông Huỳnh Công Nhẫn, không biết phải tên thật hay do người dân đặt tên đó để tưởng nhớ một con người sống có tình, có nghĩa, có tài năng đức độ, coi nhẹ tiền tại, vật chất. Do ông đã cống hiến hết mình cho cộng đồng dân cư trong bước đầu mưu sinh, lập nghiệp mà đặt tên gọi đó để tôn vinh công đức của ông đối người dân ở vùng đất Thuận An ngày nay. Theo sách “Nam kỳ phong tục nhân vật diễn ca” của Nguyễn Liêm Phong, xuất bản tại Sài Gòn, năm 1909 và các bô lão vùng Bưng Bố (Bình Hòa), Phú Hội (Vĩnh Phú) kể lại, có rất nhiều giai thoại về ông Huỳnh Công Nhẫn ở vùng đất Lái Thiêu xưa – Đoàn của ông Huỳnh Công Nhẫn (không biết quê quán, ngày, tháng, năm sinh), theo đường biển đến lập nghiệp ở vùng tả ngạn con sông, sau này có tên là sông Sài Gòn.
Vùng đất mới đất đai mênh mong nhưng ông không có một tấc đất cắm dùi nào? Người ta kể rằng: Khi chết dân làng khiêng quan tài ông đến vùng đất cao ráo thuộc khu phố Nguyễn Trãi, phường Lái Thiêu hiện nay thì không khiêng đi nổi, bà con đành xin đất của dân chôn tại đây và lập mộ thờ. Sau khi người trụ trì mất, các tín đồ Phật giáo đã thay đổi lăng ông thành chùa Thiên Phước. Hiện nay về bên phải mặt tiền của chùa còn mộ của ông xây bằng đá ong. Vào thời điểm đó, vật liệu xây dựng các công trình như nhà cửa, đình chùa, mộ cổ, sản xuất đồ gốm (làm
men)… thường lấy đá ong để xây dựng vì nơi nào của Thuận An cũng có loại đá này. Về sau, nhân dân đã trát xi măng lên mặt đá ong như hiện trạng của ngôi mộ bây giờ. Còn bên trong gian chính diện ở góc bên phải (từ cửa chính vào) có bàn thờ của ông.
Nhiều người dân Việt đến vùng đất mới chưa thích nghi với khí hậu nhất là thường bị muỗi mòng đốt sinh ra lắm bệnh tật nhất là bệnh sốt rét. Trong khi ở Nam Bộ, cây thuốc mọc khắp nơi và rất dễ trồng chung quanh nhà để trị bệnh. Huỳnh Công Nhẫn đã hướng dẫn cho bà con dùng cây thuốc mọc ở chung quanh nhà để chữa bệnh. Vườn nhà nào cũng trồng nhiều sả, tiêu, gừng, nghệ, tía tô, cam quýt… để không rắn rết độc xâm nhập, dùng lá nấu xông cảm, nước lá sả chữa bệnh tiêu chảy. Người nào cũng biết nhận dạng các loại cây mọc quanh vườn như cây vòi voi, cây chó đẻ, ké đầu ngựa, cây trinh nữ, dây cam thảo nam, lá trầu… để tự chữa bệnh thông thường cho mình và gia đình. Vườn nhà nào cũng trồng 4 loại cây: “tía tô, dấp cá, rau má, mã đề” để vừa làm rau canh và dùng làm thuốc chữa cảm cúm, giải nhiệt, nhuận trường. Ông còn hướng dẫn cho bà con cách sử dụng lửa và giữ lửa. Vì ở vùng đất mới, người còn thưa thớt, thiên nhiên hoang dã, con người còn lệ thuộc vào thiên nhiên, lửa chẳng những là nhu cầu để sống “bắt con cá lóc nướng trui” mà còn là phương tiện dùng sưởi ấm, xua đuổi bóng tối, thú dữ. Vùng đất miền Đông Nam Bộ nổi tiếng của “vùng hổ dữ”, ở rừng chiến khu Đ, từng nổi danh với “Cọp ba móng” giết chết, ăn thịt hàng trăm người, trong bụng của nó khi mổ ra chứa nhiều đồ trang sức của con người, trở thành nổi ám ảnh của dân ở chiến khu và trong vùng. Người dân thường xuyên bị ám ảnh bởi móng vuốt của hổ đói, hung dữ hơn bất cứ loài thú nào khác. Mỗi thôn, làng của người dân đều có nơi thờ Ông hổ, hổ dữ ăn thịt người nổi ám ánh của dân làng mỗi khi đi vào rừng hoặc khi màn đêm buông xuống. Huỳnh Công Nhẫn với sức khỏe, tài năng, không ngại hiểm nguy sẵn sàng đương đầu với thú dữ dù đó là cọp dữ. Theo lời kể của người dân trong vùng, ông là người có võ nghệ cao cường đã giúp dân chống hùm beo thú dữ bảo vệ xóm làng, nhất là sợ cọp dữ “Thuở xưa, hồi cuối thế kỷ 19, vùng Lái Thiêu, Bình Nhâm còn rừng rậm, cọp thường xuất hiện. Có ông Huỳnh Công Nhẫn (còn gọi là Huỳnh Công Thới) làm thầy pháp (phù thủy) chẳng ham tiền bạc, nhà ở trong bưng (bưng bố). Chạng vạng tối là chẳng ai dám tới lui, sợ cọp; việc làm ăn trở ngại, nhiều người tới nhờ ông Nhẫn giúp đỡ” (2)…
Về phong tục tập quán của người Việt Nam nói chung về người Thuận An nói riêng, ngôi đình làng là nơi trang trọng và linh thiêng nhất và là nơi để làm việc, nơi họp bàn việc làng, nơi diễn ra các lễ hội, thờ những người có công với làng nước. Nhưng người dân đưa ông vào thờ, như một người có công trong việc khai phá, xây dựng xóm làng của mình, như thần, thánh luôn phù hộ chúng sinh. Thời khai phá lập làng, những ông thầy chùa, thầy pháp là những “trí thức” hiếm hoi trong thôn xóm. Họ đại diện cho tầng lớp là những người mạnh mẽ, thanh liêm, chính trực và dũng cảm; họ giúp đỡ dân làng bảo vệ từng tất đất. Huỳnh Công Nhẫn trở thành một con người sống mẫu mực, người nông phu giỏi hiểu biết việc đồng án, người am hiểu nhiều nghề, nhờ thông minh và đọc nhiều sách vở. Đối với người nông dân nghèo khổ, đa số là mù chữ nên khi có việc gì hệ trọng trong gia đình, làng xóm đều đến xin ý kiến của các thầy như: làm nhà, hôn nhân, tang lễ, chữa bệnh, hốt thuốc, bài trừ tà ma…những ý kiến của các thầy đều được tin tưởng tuyệt đối và làm theo chỉ dẫn. Vì thế nên người dân vùng Thuận An hồi đó đã phong tặng ông Huỳnh Công Nhẫn là vị thần “Thành hoàng bổn cảnh”, thờ tại đình thờ ấp Phú Hội (Vĩnh Phú) có hương án thờ Huỳnh Công và nâng lên Huỳnh Quốc Sư thờ ở đình Phú Hòa thuộc ấp Phú Hòa, xã Hòa Lợi, huyện Bến Cát (nay là thành phố Bến Cát).
Nam Bộ với điều kiện tự nhiên ưu đãi, ruộng đất phì nhiêu, thời tiết thuận lợi, người dân cần cù, nên cuộc sống tương đối sung túc. Nhưng cuộc sống của Huỳnh Công Nhẫn rất đơn sơ như người nông dân chất phát hiền lành; không kiếm tiền để xây dựng nhà của khang trang, hay trang bị đồ đạc đắt tiền mà nhà cửa rất giản dị như những người nông dân nghèo khác. Cuộc sống của ông nhìn chung thường không có nét gì ăn nhập với một người giàu có, nhà ở của ông cũng chỉ là tranh, tre. Nhà ở của Huỳnh Công Nhẫn ở ấp Đông Ba, xã Bình Hòa, huyện Thuận An (nay là phường Bình Hòa, thành phố Thuận An) trở thành miếu thờ Huỳnh Công nằm sát mé Đông quốc lộ 13, cách cầu Bưng Bố khoảng một cây số về phía Nam do nhân dân ủng hộ đất, góp công, tiền dựng nhà bằng gỗ, lợp tranh lúc đầu. Năm 1924, nhân dân góp tiền xây lại miếu bằng gạch mái lợp ngói âm dương, còn hiện hữu đến hôm nay. Năm 1938, nhân dân góp tiền xây thêm một gian nhà khách trước miếu để làm nơi cúng tế lễ hội. Trong miếu có các câu đối ca ngợi công đức của ông:
“Thần sáng chiếu khắp,
gìn giữ quốc gia ngàn năm hưng thịnh
Chính trực thanh liêm,
che chở nhân dân muôn đời giàu mạnh;
Thần nhãn phóng quang ma quỷ khứ,
Hổ linh uy dũng, yêu tà kinh;
Thánh y thần dược tài cứu thế,
Làm nông sản xuất giúp nhân sinh;
Y thuật cao thâm, độ chúng sinh an khang lợi lạc,
Võ công cái thế, giúp nhân dân mãi vững thái Bình.” (3)
Ngày nay người dân Thuận An vẫn coi ông như: Phật, thánh, thần, người có công lớn với người làng nước trong buổi đầu đến mưu sinh ở vùng đất mới nhiều thuận lợi nhưng cũng lắm gian lao, thử thách.
2. Bá hộ Quới ở thôn Phú Cường
Ngôi mộ Bá Hộ Qưới được biết đến qua bài viết ở mục Bình Dương thắng tích trong địa chí tỉnh Bình Dương năm 1975 “Trên đỉnh đồi ngay trong khuôn viên dinh Tỉnh Trưởng hiện nay có một ngôi mộ đẹp chiếm diện tích độ 70m2 và nhìn ra dòng sông Bình Dương. Đó là mộ của Bá Hộ Qưới.”(4) Theo qui định của Triều Nguyễn ai mộ được 50 người đi khai hoang ở Nam Kỳ thì được thưởng chánh cửu phẩm bá hộ. Ông Nguyễn Đình Đầu, khi khảo sát địa bạ năm 1836, ở vùng đất huyện Bình An xưa những chủ đất được xem là “Bá Hộ” rất ít so với các tỉnh miền Tây.
Ngôi mộ nằm trong khu vực có cây cối thâm u gồm một số cây cổ thụ, được lập năm 1848, và được di dời do yêu cầu giải tỏa mặt bằng theo quy hoạch trong năm 1985.
Theo bài viết, ông là một thương gia giàu có, sống có lòng nhân ái, thương người, cứu giúp người dân gặp cuộc sống khó khăn trong vùng, được chúa Nguyễn phong chức Bá Hộ vì có công ủng hộ chính quyền địa phương “Thương gia tên Qưới, giàu có và hào hiệp, được chúa Nguyễn phong cho chức Bá Hộ(5) vì thường tận lực ủng hộ cho chính quyền địa phương thuở đương thời, cũng như đã cứu giúp cho nhiều dân cư trong vùng. Theo khẩu truyền hai nô bộc người sơn cước được chôn sống theo ông để có người phục dịch, hầu hạ ở thế giới bên kia. Mặc dầu ông
đã chết cách nay 200 năm…”(6) Qua các hiện vật được tìm thấy khi khai quật khảo cổ có phát hiện “Một vật hình như cái mão có gắn vật màu vàng”(7) được cho là chiếc mão bằng gỗ phết nhủ màu vàng đã bị phân hủy do thời gian không giữ lại được; và biết được lúc ông chết có độ tuổi khoảng từ 65 đến 70 tuổi. Như vậy đương thời ông sống cách chúng ta hơn 200 năm và được nhà Nguyễn phong chức trùng khớp với nhận định trên của bài viết. Về việc chôn sống theo hai nô bộc, trong quá trình khai quật có đào khảo sát xung quanh nhưng không có phát hiện gì. Thời đó những người giàu có thường thuê mướn gia nô phục vụ công việc gia đình và tham gia sản xuất nông nghiệp.
Như vậy thời ông sinh sống vào cuối thế kỷ XVIII, vùng đất này thuộc dinh Trấn Biên, huyện Phước Long, tổng Bình An. Đến năm 1808 dinh Trấn Biên đổi thành trấn Biên Hòa, phủ Phước Long gồm 02 huyện là Phước Chánh và Bình An. Trong Gia Định chí của Trịnh Hoài Đức (1820) có ghi huyện Bình An có công vụ giản vị, sở tại ở thôn Phú Lợi và gồm: 02 tổng, 119 xã, thôn, phường, ấp, điếm. Tổng Bình Chánh (thuộc khu vực Bình Dương ngày nay), có 50 xã, thôn, ấp, điếm…Có vị trí giao thông thuận lợi, nguồn tài nguyên phong phú, rừng gỗ nhiệt đới bạt ngàn, tạo điều kiện phát triển, huyện Bình An có chợ Băng Bột ở tổng Bình Chánh nhà cửa phát triển đông đúc, ghe thuyền đi lại thuận tiện, có nhiều sản vật phong phú của địa phương. Những tài liệu ghi chép về sau không có nói đến chợ Băng Bột nữa, mà nói về chợ Phú Cường. Trong sách Đại Nam nhất thống chí (1864-1875) “Chợ Phú Cường ( Dầu Một), thôn Phú Cường: xe cộ, thuyền ghe tấp
nập, đông đảo”. Qua đó cho ta thấy vùng đất Phú Cường với vị trí tự nhiên thuận lợi khi mới hình thành đã là vùng thị tứ sầm uất. “Chợ Băng Bột lúc này(có thể) đã đổi thành chợ Phú Cường và thôn Phú Cường được thành lập để trở thành lỵ của huyện Bình An, khi huyện này đã trở thành một địa bàn đông dân cư và có sức phát triển kinh tế- xã hội khá thịnh vượng?”(8)
Với những điều kiện thuận lợi về tự nhiên và xã hội huyện Bình An không ngừng phát triển nhất là nghề trồng cây ăn trái “ Người ta ước đoán rằng măng cụt của vùng Binh Chanh và Bình Dien được cung cấp cho toàn miền Nam Kỳ Việt Nam”(9) các nghề thủ công như: nghề mộc, nghề làm gốm, nghề nấu mía đường, nghề ép dầu đậu phộng, nghề đục đá ong, đá xanh, nghề đúc đồng,v.v…là những nghề nổi tiếng khắp vùng. Bên cạnh nghề thủ công còn có các nghề chế biến thực phẩm: làm bánh kẹo, nấu rượu, đan lát mây tre, rèn sắt, dệt vải, dệt chiếu. Sản phẩm từ các nghề thủ công không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tại chỗ mà còn được đem trao đổi, buôn bán với các địa phương khác trên cả nước, nhất là với Nam kỳ lục tỉnh (1832).Trước khi thực dân Pháp đến, vùng Bình An đã xuất hiện những tụ điểm thủ công nghiệp gần những bến sông, bến cảng để tiện việc buôn bán, vận chuyển hàng hóa và nguyên vật liệu. Theo hồi ký của Grammont(10), làng Phú Cường trước năm 1836 là trung tâm cưa xẻ gỗ, đóng thuyền lớn nhất nhì ở Nam Kỳ. Làng này có tên là An Nhất Thuyền (nơi đóng thuyền lớn nhất xứ Bình An) chạy dọc theo sông Sài Gòn đến thôn Chánh Hiệp.
Thời của ông, “Các chúa Nguyễn đã đặt xong chính quyền trên khắp địa bàn Nam bộ. Ở thời điểm ruộng đất phì nhiêu mở rộng quá mau này, cơ bản phương thức sản xuất lương thực ở nước ta bắt đầu thay đổi. Gạo lúa dư thừa ở Nam bộ đã trở thành hàng hóa. Kinh tế phát triển đưa đến nhiều thay đổi quan trọng, như nông thôn thêm trù phú, phố chợ buôn bán mọc lên khắp nơi, những địa bàn chuyên lâm nghiệp và công nghiệp (Bình An-Sông Bé chẳng hạn) cũng có điều kiện phát triển mạnh mẽ.”(11) Với một chính sách di dân hợp lý, thu dụng nhân lực khôn khéo, phát triển kinh tế đúng hướng Nam Bộ nhanh chóng trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp và thương nghiệp của xứ Đàng Trong.
Trong quá trình di dời, sau khi cạo hết lớp vôi vữa trát bên ngoài của tấm bia dựng phía sau ngôi mộ, người ta còn phát hiện có bản văn khắc chìm trên bia bằng chữ Hán có bảy dòng với 62 chữ:
Núi không vì cao, miễn có tiên là có tiếng tăm
Nước không vì sâu, miễn có rồng là linh thiêng
Ấy là căn nhà xấu xí, chỉ có đức của ta là thơm
Có thể chơi đàn, đọc kinh vàng
Không có tiếng đàn tiếng sáo làm rối tai, không
Có chồng văn thư làm khổ thân
Có người nói rằng: Người quân tử ở nơi đó, có gì mà xấu xí?Năm Mậu thân, tháng chín, ngày lành…
Qua bản văn bia đã nói lên tâm trạng của một con người mang một nổi niềm trắc ẩn, bản văn bia đã mượn lời Lưu Vũ Tích để nói về nơi ở ẩn của một người quân tử. Văn bia được lập vào năm 1848 vào đầu thời Tự Đức, đây là thời đại nhiễu nhương trong lịch sử, bên ngoài người phương Tây bắt đầu gây hấn, bên trong triều thần hủ lậu, lơ láo. Dân tình đói khổ, ngấm ngầm chống đối; một số nho sĩ trí thức bắt đầu phê phán tần lớp vua quan. Bản văn đã mượn bài minh của Lưu Vũ Tích, một thi nhân từng dùng ngọn bút để phê phán tầng lớp quan lại thời Đường(12).
Qui mô của ngôi mộ có thể khẳng định mức độ giàu có của chủ nhân. Bản văn bia cho thấy chủ nhân (hay gia đình của chủ nhân) là người ưa chuộng văn chương, nhưng lại tránh nhắc đến nhà nho và khổng tử. Những hiện vật thu được trong song mộ hợp chất Bá hộ Hạ Quang Quới rất đa dạng và là đồ dùng của “Thế giới bên này” được tang gia chôn theo chủ nhân ở “Thế giới bên kia”. Thể hiện một vị thế và tiềm lực của một Bá hộ thương gia “có tiếng” trên đất Bình Dương ngày xưa. Đồng thời mộ hợp chất là một bằng chứng cụ thể và sinh động nhất, là tiếng nói trực tiếp của dĩ vãng, là diện mạo quá khứ lịch sử văn hóa vật chất – tinh thần – tư duy cổ nhân, trên mảnh đất này. Tất cả đều chứa đựng nhiều giá trị, nhiều thông tin khoa học để chúng ta nghiên cứu về khảo cổ học, về đời sống kinh tế – văn hóa – xã hội – tín ngưỡng của người dân Bình Dương trong buổi đầu khai phá vùng đất mới.
3. Đức ông Trần Thượng Xuyên (Trần Thắng Tài)
Trần Thượng Xuyên, tự là Thắng Tài, hiệu Nghĩa Lược, sinh ngày 23/10/1626; quê ở xóm Ngũ Giáp, thôn Điền Đầu, đô Nam Tam, huyện Ngô Xuyên, phủ Cao Châu, tỉnh Quảng Đông (nay là thôn Điền Đầu, trấn Nam Tam, phủ Cao Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc)(13). Ông tham gia phong trào “phản Thanh phục Minh” nhưng thất bại nên đã đem hơn 3.000 quân cùng gia quyến đi trên 50 chiếc thuyền đến nước ta đầu phục chúa nguyễn, được giao vào khai khẩn và bảo vệ lưu dân vùng Đồng Nai, Gia Định. Trần Thượng Xuyên tổ chức mở đường giao thông, lập chợ phát triển buôn bán, biến Cù Lao Phố thành trung tâm thương mại lớn ở vùng Đông Nam Bộ.
Chính vì vậy, cù lao Phố đã sớm trở thành một đô thị sầm uất, là bến cảng nổi tiếng ở phía Nam lúc bấy giờ. Trần Thường Xuyên là người có công rất lớn trong công cuộc khai khẩn đất hoang, phát triển sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại ở cù lao Phố (Biên Hòa), thiết lập phố chợ ở Sài Gòn (Chợ Lớn hiện nay). Ngoài việc đưa dân đi khai hoang lập nghiệp, ông còn tỏ rõ là một vị tướng tài, từng giúp chúa Nguyễn dẹp loạn và đánh tan nhiều mưu đồ phản loạn của giặc giã nổi lên trong vùng nhằm bảo vệ sự bình yên cho vùng đất mới của nước Đại Việt. “ Trần Thượng Xuyên và những thế hệ đầu tiên của người Hoa trên đất Nam Bộ đã nhanh chóng hội nhập và cộng đồng các dân tộc Việt Nam và đã có những đóng góp tích cực trong công cuộc khai mở, phát triển và gìn giữ vùng đất Nam Bộ.”(14)
Trần Thượng Xuyên mất ngày 23 tháng 10 âm lịch – khoảng năm Canh Tý (1720), an táng tại mạn bắc dinh Trấn Biên (nay thuộc xã Tân Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương). Trần Thượng Xuyên không chỉ có công khơi dậy tiềm lực kinh tế vùng Cù Lao Phố, ông còn là một dũng tướng có nhiều đóng góp cho công cuộc trấn an và bảo vệ bờ cõi và luôn được vương triều nhà Nguyễn tin dùng. Ông được người dân tôn kính thờ làm Thành hoàng tại nhiều ngôi đình; được triều Nguyễn phong Thượng đẳng Thần…
Trải qua hàng thế kỷ, mộ ông bị mất dấu vết. Mãi đến năm 1994, người dân mới tìm lại được mộ ông và từ đó ngôi mộ được trùng tu, tôn tạo, giữ gìn nhằm tỏ lòng biết ơn người đã có công khai phá, mở mang đất đai, phát triển thương mại của một vùng đất.
Kết luận
Các nhân vật lịch sử của thời kỳ này bắt đầu từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII, là những tiền hiền khai cơ dựng nghiệp trong quá trình khẩn hoang lập làng của cư dân người Việt, Hoa. Đặc điểm chung của thời kỳ này là một số nhân vật có nhân thân không rõ ràng, có hành vi phảng phất màu sắc thần tiên, huyền bí, được nhân dân nhiều vùng tôn thờ như thần thánh, di tích còn lại là các am thờ, các đình, miếu, mộ cổ. Sự lưu truyền của các nhân vật lịch sử hệ này chủ yếu bằng truyền miệng, tạo tác các câu chuyện, sự tích bằng nhiều thủ pháp của nghệ thuật folklore. Được dân gian truyền tụng là người có tấm lòng rộng mở, giúp đỡ người nghèo khổ gặp hoạn nạn trong cuộc mưu sinh của buổi đầu đến vùng đất mới để khai phá lập làng bằng những cử chỉ, hành động hướng dẫn người dân chống chọi sự khắc nghiệt của thiên nhiên, bệnh tật, thú dữ…để sinh tồn và phát triển./.
Chú thích
- (1) Nguyễn Văn Thủy: Tiến sĩ, Trường Đại học Thủ Dầu Một. Email: thvn.ngn@gmail.com
- (2) Trần Bạch Đằng (Chủ biên) (1991), Địa chí tỉnh Sông Bé, tr 353.
- (3) Huỳnh Ngọc Đáng (Chủ biên) (2017), Tìm hiểu liễn đối Hán-Nôm, trong các đình, chùa, miếu tỉnh Bình Dương, tr.577.
- (4) Địa chí tỉnh Bình Dương năm 1975, tr.19
- (5) Chức danh “Bá hộ” bắt đầu có từ triều đại nhà Nguyễn (sau năm 1802)
- (6) Địa chí Tỉnh Bình Dương 1975, tr.19.
- (7) Theo Biên bản khai quật ngày thứ 6, 01/01/1986.
- (8) Huỳnh Ngọc Đáng, về tên gọi Băng Bột ở huyện Bình An- Đất Thủ, thông tin KHLS số 23-2011.
- (9) Thủ Dâu Một xưa qua địa chí 1910 và bưu ảnh, Hội KHLS Bình Dương-2007
- (10) Sĩ quan Pháp 1861 phó giám đốc Vụ Bản xứ Thủ Dầu Một và Hóc Môn.
- (11) Trần Bạch Đằng (chủ biên) (1991),Địa chí tỉnh Sông Bé, Nxb Tổng hợp Sông Bé, tr.165.
- (12) Võ Sĩ Khải (1998), Khai quật di tích mội Bá Hộ Qưới ở Bình Dương (Thủ Dầu Một), Trung tâm nghiên cứu khảo cổ học TP.HCM.
- (13) Huỳnh Ngọc Đáng (2018), “Thêm những tư liệu về Trần Thượng Xuyên”, Thông tin Khoa học Lịch sử, số 52, tr.13.
- (14) Phan An (2006), “Trần Thượng Xuyên và những thế hệ người Hoa đầu tiên trên đất Nam Bộ”, Hội Khoa học lịch sử tỉnh Bình Dương, tập san số 3(8-2006), Xí nghiệp In Nguyễn Minh Hoàng, TP.HCM.
Theo SuGia