Lịch sử hình thành và biến đổi tên gọi tỉnh Bình Dương và tên Thủ Dầu Một
Về hai tên gọi Bình Dương và Thủ Dầu Một
Ngày nay khi nói đến Bình Dương,Thủ Dầu Một ai cũng biết đó là tên của một tỉnh, tên của Thành phố thuộc tỉnh mà tên tỉnh ấy đã trở thành thương hiệu vang xa trên thương trường quốc tế. Thế nhưng cái tên tỉnh Bình Dương, tên Thành phố Thủ Dầu Một có từ bao giờ và đã trải qua các thời kỳ lịch sử như thế nào là điều mà mọi người nên tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu.
Gần đây trong một số công trình khoa học nghiên cứu lịch sử Thủ Dầu Một – Sông Bé – Bình Dương đều có đề cập đến địa giới, nguồn gốc, lịch sử của tên gọi này nhưng ít có ai đặt vấn đề tách riêng ra chỉ tìm hiểu cái tên của tỉnh, do vậy bài viết này xin mạo muội chỉ nêu quá trình hình thành tên Thủ Dầu Một – Bình Dương.
Theo trình tự tên Thủ Dầu Một là tên Tỉnh có trước tên tỉnh Bình Dương có sau nên tìm hiểu tên Thủ Dầu Một trước vậy!
- Căn cứ vào từ nguyên: Thủ- Dầu Một, một số nhà nghiên cứu đã tách chữ Thủ và chữ Dầu Một ra để phân chữ như sau:
- Thủ: là giữ, phòng thủ, canh giữ, Thủ là đầu (thủ, vĩ ), đứng đầu, thủ phủ, thủ sở là nơi đặt lỵ sở của một đơn vị hành chánh.
- Dầu Một: Dầu là cây dầu, Một là số một, cây dầu số một, một cây dầu lớn nhất. Dầu Một còn được đọc theo chữ Hán Nôm là Dầu Miệt hay miệt dầu là chỗ, vùng toàn cây dầu.
Ghép hai từ đã phân chia lại là Thủ Dầu Một và tên Thủ Dầu Một có thể bắt nguồn từ khi có sự xuất hiện một cái chợ bên bờ sông. Khi chợ hoạt động thì chính quyền sở tại lập ra một cơ sở để canh giữ trật tự và thu thuế cái chợ ấy. Trụ sở ấy chắc chắn là đặt gần chợ và đặt trên đồi toàn cây dầu và đặt bên gốc dầu to nhất lúc đó.
Có nhà nghiên cứu sử học cho rằng từ trước năm 1808 đã có tên Dầu Một vì trong sách Đại Nam Nhất Thống Chí có ghi như sau: “Chợ Phú Cường ở thôn Phú Cường, huyện Bình An, tục danh là chợ Dầu Một (hay Dầu Miệt)” còn mốc 1808 là năm tổng Bình An được nâng lên thành huyện cùng lúc thiết lập đồn binh ở đây để canh giữ vùng này *(1).
Và cái tên Thủ Dầu Một chỉ chính thức xuất hiện trên các văn bản,giấy tờ từ sau năm 1867 khi Pháp đánh chiếm xong toàn bộ Nam Kỳ và chia cắt lục tỉnh ra làm 27 địa hạt tham biện (Inspec on), trong 27 địa hạt đó có một địa hat tên là Thủ Dầu Một. Và 22 năm sau đó ngày 20 tháng 12 năm 1889 Pháp đã nhập,tách nâng 27 địa hạt thành 20 tỉnh, trong đó có tỉnh Thủ Dầu Một *(2).
Như vậy có thể lấy ngày 20 tháng 12 năm 1889 là ngày đầu tiên thành lập một tỉnh có tên là Thủ Dầu Một.
Sau cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi,theo hiệp định Giơ-neo đến năm 1956 là thời hạn chót thực hiện Tổng tuyển cử thống nhất Quốc gia Việt Nam. Thế nhưng Miền Nam từ vĩ tuyến 17 trở vào đã lật lọng không thực hiện hiệp định Tổng tuyển cử mà lại thiết lập Chính thể Cộng hòa theo Mỹ.
Trong năm 1956 chính quyền Sài gòn đã tách tỉnh Thủ Dầu Một ra làm ba tỉnh và đặt tên là tỉnh Bình Dương, tỉnh Bình Long và tỉnh Phước Long.
Trong suốt thời gian kháng chiến chống Mỹ,phía Cách Mạng cơ bản vẫn sử dụng tên tỉnh là tỉnh Thủ Dầu Một nhưng phạm vi địa bàn thu hẹp lại,trừ Bình Long,Phước Long ra thì ranh giới Tỉnh Thủ Dầu Một trùng khớp với ranh giới tỉnh Bình Dương lúc đó.
Nói cơ bản vẫn giữ tên tỉnh là Thủ Dầu Một là vì trong quá trình kháng chiến chống giặc ngoại xâm cái tên Tỉnh Thủ Dầu Một có mấy lần biến động như hai lần nhập lại với tỉnh khác và có tên là Thủ Biên rồi tách ra,một lần chia ra thêm tỉnh Phước Thành,một lần thêm tỉnh Tân Phú rồi cũng xóa Phước Thành(1961-1965), xóa Tân Phú (1971-1973) để trở lại là Thủ Dầu Một,và có một thời gian ngắn Tỉnh Thủ Dầu Một cũng được chia ra một phần là Phân khu 1, phần còn lại là Phân khu 5 (1970-1972) cho đến cuối năm 1972 sang năm 1973 thì không còn phân khu nữa mà trở lại là Tỉnh Thủ Dầu Một.Cái tên Tỉnh Thủ Dầu Một,quân dân Tỉnh Thủ Dầu Một vào ngày 30 tháng tư năm 1975 đã đường hoàng,đỉnh đạc tiến vào giải phóng tỉnh lỵ cùng với quân dân miền Nam đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào, giải phóng quê hương,thống nhất đất nước.
Sau ngày 30 tháng Tư lịch sử, non sông Việt Nam liền một dải thì đến năm 1976 Quốc hội Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam ra quyết định nhập ba tỉnh Thủ Dầu Một, Bình Long, Phước Long lại thành Tỉnh Sông Bé. Như vậy sau 87 năm tồn tại đến đây thì cái tên tỉnh Thủ Dầu Một không còn nữa. Thế nhưng khi lập tỉnh Sông Bé thì tỉnh lỵ vẫn đặt tại Phú Cường và tên Thị xã Sông Bé tồn tại hai năm thì cái tên Thủ Dầu Một được khôi phục lại thay cho tên Thị xã Sông Bé. Và tên Thị Xã Thủ Dầu Một trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị của Tỉnh tồn tại mãi cho đến nay là đô thị loại một và Thành phố Thủ Dầu Một đang dần trở thành thành phố văn minh,hiện đại,nghĩa tình.
Như vậy trong khoảng thời gian hai mươi năm tên tỉnh Sông Bé tồn tại thì hai cái tên Tỉnh Bình Dương,tỉnh Thủ dầu Một đương nhiên không còn,nhưng đến năm 1997 câu chuyện tên tỉnh lại diễn biến khác. Đến năm này Quốc Hội Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam lại ra quyết định tách tỉnh Sông bé ra làm hai tỉnh Bình Phước (Bình Long, Phước Long) và tỉnh Bình Dương.
Như vậy Tỉnh Bình Dương chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1 tháng 1 năm 1997 đến nay đã vững vàng đứng trong tốp đầu của những tỉnh công nghiệp phát triển của Việt Nam, thế nhưng cái tên Bình Dương đã có từ rất lâu và tên tỉnh Bình Dương cũng đã có ở thế kỷ trước.
- Trước tiên ta tìm hiểu tên Bình Dương qua ngữ, nghĩa của nó:
- Bình là bình minh
- Dương là ánh nắng
- Ghép lại Bình Dương là ánh nắng bình minh,là những ánh nắng rực sáng trong buổi sáng sớm của một ngày mới.
- Có một nhà nghiên cứu Hán-Nôm đã diễn giải, chiết tự theo Kinh Dịch hai chữ Bình Dương như sau:
- Chữ Bình có 11 nét thuộc quẻ Khôn
- Chữ Dương có 13 nét thuộc quẻ Chấn
- Cộng lại Bình Dương có 23 nét là Đại Cát: thuận lợi tối đa.
Nếu xét về lịch sử xa xưa thì Bình Dương là phần cuối của cái tên một Đại dương mênh mông: Thái Bình Dương.
Ngay từ thế kỷ thứ 11 thì Bình Dương là tên của một nàng Công chúa xinh đẹp con vua Lê Thái Tông như trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư có ghi: 1029 tháng ba ngày mồng bảy gả Công Chúa Bình Dương cho Châu mục Châu Lạng là Thân Thiệu Thái *(3)
Bình Dương còn là tên của một nhánh sông theo bản đồ do Trần văn Học vẽ khu vực Gia Định thành vào tháng 4 năm 1815 và như mô tả của Trịnh Hoài Đức thì sông Bình Dương ở phía nam trấn Gia Định *(4). Đoạn sông này ngày nay có tên mới là Rạch Bến Nghé.
Từ cái tên của một nàng Công chúa lại được đặt tên cho một dòng sông rồi được gọi cho một Làng sau nâng lên thành Huyện, theo Nguyễn Đình Đầu trong bài nghiên cứu địa lý hành chánh tỉnh Bình Dương qua các thời kỳ có ghi: ”Đến năm 1808 huyện Tân Bình được nâng lên thành Phủ Tân Bình có bốn huyện là Bình Dương,Tân Long, Thuận An và Phước Lộc” *(5)
Đến năm 1834 toàn bộ Nam kỳ được chia đặt thành sáu tỉnh, lúc ấy gọi là Nam kỳ lục tỉnh,huyện Bình Dương nằm trong tỉnh Phiên An. Năm 1836 Phiên An được cải thành Gia Định.Năm 1841 huyện Bình Dương lại được tách ra làm hai huyện là huyện Bình Dương và huyện Bình Long.
Đến thời Pháp thuộc thì Nam kỳ lục tỉnh được chia ra làm 20 tỉnh mới, hai bên bờ sông Sài gòn là hai tỉnh Gia Định và tỉnh Thủ Dầu Một.
Sau kháng chiến chống Pháp thành công, Miền Nam từ vĩ tuyến 17 trở vào không thực hiện hiệp định Giơ-neo tổng tuyển cử thống nhất quốc gia Việt Nam mà lập chính quyền Cộng Hòa theo Mỹ,và Chính quyền này đã ra sắc lệnh số 143 N/V ngày 22 tháng 10 năm 1956 thay đổi địa giới,tên gọi các tỉnh Miền nam trong đó có tên tỉnh Bình Dương. Như vậy có thể lấy ngày, tháng năm này làm ngày đầu tiên tên Bình Dương được đặt cho tỉnh Bình Dương!
Sau kháng chiến chống Mỹ thắng lợi, năm 1976 Chính phủ Cách Mạng lâm thời Miền nam đã quyết định xóa tên ba tỉnh Thủ Dầu Một (Bình Dương), Bình Long, Phước Long để lập lại tỉnh mới rộng lớn hơn với cái tên tỉnh Sông Bé.
Mãi đến hai mươi năm sau, ngày 6 tháng 10 năm 1996 Quốc Hội Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đã ra quyết định tách tỉnh Sông Bé ra làm hai tỉnh Bình Phước và tỉnh Bình Dương.
Thế là cái tên Bình Dương rạng rỡ, hiền hòa được trở lại với tỉnh nhà từ đây.
Ghi chú, tài liệu tham khảo:
- *(1) – Huỳnh Ngọc Đáng, Phú Cường Lịch sử văn hóa Truyền thống cách mạng, NXB Sông Bé 1990 ( Trang 18)
- *(2) – Nguyễn Đình Đầu, Địa Chí tỉnh Sông Bé, NXB Sông Bé 1991 (Trang 206-207)
- *(3) – Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Tập 1, NXB V H T T Hà Nội – 2000 (Trang 383)
- *(4) – Như Hiên,Nguyễn Ngọc Hiền, Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh, NXB Văn học, Hà Nội,1997 (Trang 73)
- *(5) – Nguyễn Đình Đầu –Sđd-
Nguyễn Minh Giao – Thạc sĩ, hội viên Hội KHLS tỉnh Bình Dương.
Theo SuGia